Nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các khu công nghiệp xanh
Việt Nam đang đẩy mạnh việc thu hút các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, đặc biệt chú trọng vào các khu công nghiệp sinh thái tích hợp. Ông Kim Ki Moon, giám đốc YSL Investment thuộc tập đoàn YSL Group – chủ đầu tư dự án Green Park Vĩnh Phúc – chia sẻ với phóng viên Oanh Nguyễn của VIR về những yếu tố quan trọng trong việc hình thành các khu công nghiệp xanh.
Ông có suy nghĩ như thế nào về sự thay đổi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua?
Nhìn lại hơn 30 năm, có thể dễ dàng nhận thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng được cải thiện về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn đầu khi Việt Nam bắt đầu chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư chủ yếu đổ vào ngành dệt may, da giày, những ngành không tạo ra giá trị gia tăng cao, đồng thời lại gây ô nhiễm môi trường. Sau này, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử đã gia tăng.
Việt Nam đang có xu hướng thu hút các tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài và ưu tiên phát triển bền vững. Điều này thúc đẩy dòng vốn chảy các dự án lớn – những dự án đòi hỏi công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ ưu tiên các khu công nghiệp xanh lên hàng đầu trong danh sách tìm kiếm đầu tư. Quá trình chuyển đổi về chất lượng dự án đầu tư yêu cầu các khu công nghiệp (KCN) phải nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư. Đó là lý do ngày càng nhiều doanh nghiêp bất động sản đẩy mạnh đầu tư vào các KCN xanh.
Khi Tập đoàn YSL lên kế hoạch xây dựng Green Park Vĩnh Phúc, chúng tôi đã nhắm đến các tập đoàn đa quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư từ EU. Do đó, chúng tôi đã thiết kế một KCN với vị trí đắc địa, sở hữu trang thiết bị hiện đại cho các nhà đầu tư trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, trung tâm xử lý dữ liệu và logistics.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU và Hoa Kỳ hiện còn khiêm tốn, và chúng tôi hiểu rằng khoảng cách địa lý có thể là rào cản đối của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các thị trường này. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn đầu tư từ các thị trường này lớn hơn nhiều nhờ rất nhiều dự án đã được thực hiện thông qua các nước thứ ba, chẳng hạn như Singapore. Như vậy, chúng tôi thấy rằng tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư xanh là rất đáng kể.
Theo ông, tiêu chí quan trọng nhất để hình thành một KCN xanh là gì?
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà xưởng và tận dụng nguồn nước thải đã qua xử lý là hai yếu tố quan trọng nhất để thành lập một KCN sinh thái.
Đầu tư vào lĩnh vực này thực ra vẫn là một kênh đầu tư mới và còn thiếu hướng dẫn, chế tài cụ thể. Các thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Có thể kể đến như thủ tục xin giấy phép lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời còn phức tạp.
Trong quá trình thiết kế, chúng tôi cũng đã tính toán phương án để bên thuê có thể tận dụng tối đa nguồn điện từ các hệ thống pin năng lương mặt trời trên mái của mỗi nhà xưởng, nhà máy. Nếu lượng điện tạo ra của một công ty vượt quá nhu cầu của họ, thì công ty đó có thể bán phần điện dư thừa đó cho các công ty khác trong KCN. Tuy nhiên, những dự án như vậy vẫn đang phải chờ cấp phép.
Tuy gặp một số rào cản, nhưng chúng tôi rất may mắn được các cơ quan chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ Tập đoàn YSL tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể hoàn thành các thủ tục. Phía cơ quan chức năng cũng đã cam kết đồng hành cùng YSL trong suốt quá trình đầu tư. Chúng tôi đã lường trước được hầu hết các vấn đề phát sinh. Mọi thứ hiện đều nằm trong tầm kiểm soát và quy trình thực hiện dự án đang diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra.
Nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp phàn nàn rằng họ vẫn chưa tận dụng được nguồn nước thải đã qua xử lý vì các quy định hiện hành chưa rõ ràng. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Trong quá trình thiết kế, chúng tôi đã cố gắng khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Không có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng cho tưới tiêu và sinh hoạt, nhưng chúng tôi sẽ tận dụng tối đa lượng nước thải đã qua xử lý cho tháp nước làm mát và nguồn nước vệ sinh, là những hạng mục cần lượng nước lớn.
Tại các KCN đang được thiết kế và xây dựng, việc tận dụng nguồn nước thải đã qua xử lý sẽ trở nên thuận lợi hơn do đã có hệ thống đường ống đặc thù theo thiết kế ban đầu. Trong khi tại các KCN truyền thống, việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý cho hệ thống làm mát bị hạn chế do hệ thống đường ống được lắp đặt cố định.
Ông có đề xuất gì để khuyến khích đầu tư vào các KCN xanh?
Như tôi đã nói, hệ thống điện mặt trời là xương sống của việc tạo ra một KCN xanh. Hiện nay, số lượng các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời phát điện còn khiêm tốn và thuế suất đối với các bộ phận nhập khẩu để sản xuất tấm pin còn cao. Do đó, để có một nguồn cung cấp tấm pin năng lượng ổn định cho các KCN xanh, chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho các dự án và các nhà đầu tư pin năng lượng mặt trời để khuyến khích họ mở rộng hoạt động. Chính phủ cũng có thể xem xét áp dụng ưu đãi thuế đối với các bộ phận nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất.
Theo Oanh Nguyễn – VIR
